“Đáng sợ nhất
đời người là ngọn lửa nhiệt huyết đã tắt” (Nietzche).
Tôi đọc câu danh ngôn dán trên bàn với
một chút thú vị và nghe lòng mình len nhẹ niềm thương mến. Hình như đây là điều
tôi đã thầm nghĩ tới khi chỉ mới nói chuyện qua điện thoại. Và tôi đã không
sai, không lầm, không tưởng tưởng khi gặp mặt em, nghe em và nhìn vào đôi mắt
em. Trong lời nói đó, câu chữ đó, hơi thở đó hừng lên, truyền đi cái nhiệt
huyết mà em luôn nhắc mình không bao giờ để tắt. Đôi ngươi ngời ánh anh tinh
tuổi hai mươi càng sáng hơn khi lấp loáng trong vùng mắt trong trẻo – hiện thể
của cuộc sống cửa thiền thanh thật – như một vệt nắng ban mai sáng long lanh
trên mặt hồ xanh ngọc bích.
Không khách
sáo, cũng không cố gắng sắp xếp, em nói và cảm xúc như thể tôi không phải là
người em chỉ mới nói chuyện thoáng chớp qua điện thoại, không phải là lần gặp
đầu. Tôi nghĩ, có lẽ không chỉ riêng gì tôi, em sẽ như vậy với những người
khác, thật tự nhiên. Bởi vì tuổi em, tính cách, tình cảm của em là sẵn sàng mở
lòng để tuôn trào bao điều ấp ủ với người mới gặp, chỉ cần người ấy chịu lắng
nghe. Sự chân thành, tha thiết, đơn giản ấy làm tôi vừa vui lại chợt buồn. Mà
không, chỉ ngậm ngùi thôi.
Cách nhau
năm tuổi, tôi đủ gần để hiểu em và đủ xa để em chưa hiểu được tôi. Bởi thế, em
sẽ không biết là tôi đã buồn vui thế nào khi gặp nhau. Nhưng mai này, bằng tuổi
tôi, nói chuyện với một người em như em ngày nay, thì em cũng sẽ buồn vui như
tôi đang vậy giờ đây. Lúc đó, em sẽ nhớ lại và hiểu vì sao ngày đó tôi đã không
cười thật nhiều, thật tươi cùng em. Tôi chắc chắn đó. Năm năm nữa không đủ dài
để có sự thay đổi đâu em ạ. Không đủ để những người làm sư huynh như tôi tránh
được một cái thở dài rất khẽ khi thấy em mình quá hăm hở với phía trước. Nó
cũng không đủ để những người tu sĩ tuổi hai mươi như em nhập cuộc với niềm tin
tưởng tươi nguyên mà không khỏi sớm gặp bao điều bất mãn. Đúng, chính niềm bất
mãn sáng nay nơi em đã khiến tôi ngậm ngùi thương cảm cho cả hai ta.
Chị H kể,
tôi chùng lòng khi nghe đến câu em nói: “tôi tự bương trải”. Xót xa quá phải
không? Câu nói ấy sao giống câu nói cửa miệng những đứa con một gia đình nghèo
khó phải sớm ra đời quá vậy? Mà tôi cũng sắp bước vào cảnh đó thôi, nên sẽ
không phải đứng ngoài mà cảm thông nữa! Hay mình là đứa con ngỗ nghịch, tự rời
xa gia đình, tự đày đọa thân mình trong những điều gọi là lí tưởng, phụng sự,
thay đổi..., hả em? Cho nên ta phải tự nhận lấy trách nhiệm lo cho cuộc đời
mình và quay lại sống với “cơm áo gạo tiền” – thứ đã từng chối bỏ để ra đi?
Em nhất định
phải rời đất Sài Gòn, cương quyết bỏ xa phố thị náo động ồn bức này. Còn tôi,
dù không muốn, nhưng vẫn một phen giáp mặt chốn đây vì biết đó là con đường
chẳng thể không qua. Em lo cho tôi, tôi lo cho em. Thấy thương sao ân tình
những kẻ tìm đường! Dù sao, tôi vẫn thấy chúng ta đang đi về phía trước.
Em biết
không, trưa nay về, giữa cái nóng hừng hực khói bụi mười hai giờ nắng lửa, tôi
chạy tìm qua ba nhà sách để mua cho được cuốn sách trên bàn em sáng nay:
Anyway, 10 nghịch lí cuộc sống.
Vâng: ANYWAY,
NHƯNG DÙ SAO ĐI NỮA.
Gần khuya 8/3/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét