Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Trả Nắng Về Xuân

Mấy bữa nay chìm mình trong 40 tập phim Ỷ Thiên Đồ Long Ký bản năm 1986 do Hong Kong sản xuất, Lương Triều Vỹ đóng chính. Bản này đúng là bản mình coi hồi đâu gần 20 năm trước, thuở còn đi thuê đầu máy và băng về coi liên tục mấy ngày, gần như thâu đêm suốt sáng vì đầu máy và băng thuê tính theo ngày. 

Xem xong bộ phim mới thấy người và ta gần Trương Vô Kỵ nhiều hơn ta và người tưởng. Có lẽ vì vậy mà Đỗ Long Vân lấy tên sách của ông là Vô Kỵ giữa chúng ta...

Đôi khi thấy bực mình chàng ta bởi cái tính nặng tình nặng nghĩa, dây dưa nhập nhằng, yếu đuối bất quyết. Ô hay, mới thấy mình đang bực chính mình! Lương Triều Vỹ đóng bộ mặt ngơ ngơ ngác ngác gần suốt bộ phim thật đạt. Nó mang đến cảm giác của kẻ bị xô vào giang hồ một cách bất đắc dĩ để rồi học chấp nhận cái chân lý: thân tại giang hồ bất do kỷ. Vạn sự cứ trùng trùng duyên khởi để mà gây nên những cảnh, những màn của tấn tuồng nhân thế. 

Cũng vô tình sao đó, mấy hôm trước đọc tin Kim Dung mất mới cuối tháng 10 vừa rồi. Và cả tháng nay sống như nhập thất giữa thành phố này. Nhiều việc đã không còn nhớ. Nhưng có những điều vẫn còn đây, sau gần 20 năm. 

Kim Dung, ông là ai? Tại sao những điều ông viết tưởng như hư mà lại thực đến vậy? "Người đời bảo cơn mơ là không thực nhưng nào biết rằng những điều họ cho là thực cũng có khác gì mơ".

Như tiếng chim thiên linh nơi thảo nguyên đã trở thành một cái gì đó tựa niềm hoài niệm mênh mông của Lý A Tú, cái buổi chiều (ừ, hẳn phải là buổi chiều mới đem cho người ta cảm giác như vậy) một mình ở trên ngọn đồi gió lộng xào xạc cỏ đó đã ở lại mãi trong hồn ta, để thành thơ, để thành mơ:

Bình nguyên cũ của một ngày gió lộng
Ta có về trong những giấc chiêm bao
Ta có về một đêm trời nhiều sao
Nằm yên ắng nghe chim rừng trở cánh

Mặc dù sau khi vô chùa một hai năm, nghĩa là lúc 15, 16 tuổi mới bắt đầu đọc Kim Dung nhưng cái chất của kiếm, của võ, của hiệp, của đạo đã thấm vào hồn từ lúc nào không rõ. Có lẽ hồi lớp 6, lớp 7 gì đó khi bắt đầu đọc truyện tranh Hoàng Phi Hồng. 

Còn nhớ hai chuyện: 

Một lần, lúc nghỉ chân trên đường đi, sư phụ bảo Hoàng Phi Hồng đi bắt cá về làm bữa. Cậu sử dụng công phu thầy mới dạy, và bắt khá nhiều, quá mức cần thiết. Sư phụ nhìn thấy cái bản ngã khoa trương trong hành động đó, quở trách. 

Lần khác, một gã có tiếng là tàn ác, sau khi bị Hoàng Phi Hồng đánh bại, đến mức trọng thương, được sư phụ của Hoàng đưa về điều trị. Qua mấy ngày, một buổi sáng gã biến mất. Hoàng lo lắng rằng để gã đi như vậy, sau này gã lại gây ra tai họa. Sư phụ nói: Con đừng lo, sáng nay ta vào phòng hắn, thấy áo quần, gối mền được xếp ngăn nắp đàng hoàng để ở trên giường... 



Cũng không biết là cái chất võ hiệp đó đã giúp hay đã hại mình nữa đây. Từng có lúc tự mình ảo tưởng mình cũng là kẻ hảo hán trượng phu để rồi nhận ra cái con người tiểu nhân vẫn đâu đây. Từng có lúc thấy cái võ hiệp tính đó đã cho ta một lẽ sống, một hướng đi, một chỗ dựa.

Thật ra, nếu vấn tầm xa hơn nữa mới thấy ngay cả trước khi đọc bộ truyện tranh đó thì sương khói, nắng gió của cõi giang hồ bào ảnh đã ươm ấp hồn này từ lúc còn rất nhỏ. Cái thuở cấp một trốn học rong rêu những con đường đất đỏ, rồi đánh giấc trong đồi chè xanh ngát, hay những buổi sáng đến trường bắt ong ăn mật trong đám cỏ còn ướt sương, hay những ngày phơi nắng cùng đàn bò trên đồi hoang cỏ dại... Phải chăng những thảo nguyên và sa mạc của Kim Dung đã đánh thức miền ký ức này trong ta hay miền ký ức này thổi hồn vào những thảo nguyên sa mạc đó?

Chừng đâu năm ngoái, thơ rằng:

Yêu bao nhiêu mà chưa cạn chữ tình

Ôi, cái tình của thiên địa tác hợp mới đại hải trường giang, thầm mật miên lưu làm sao! Trong tình yêu _cũng như trong mọi sự khác trên đời_ người ta tốt hơn cả là vâng theo thiên ý. Vâng theo thiên ý, người ta có thể cùng cực đau khổ và cũng có thể hạnh phúc vô vàn, nhưng người ta thấy trọn vẹn vì đã sống và đã yêu. Vâng theo thiên ý, người ta có thể cùng tri âm giang hồ tiêu dao đến cuối đời hoặc có thể suốt kiếp biệt ly nhưng người ta biết tình yêu là thực có.

Mà nghĩ cho cùng thì thấy hình như những cuộc tình lớn của Tiêu Phong - A Châu, Đoàn Dự - Ngữ Yên, Dương Quá - Long Nữ, Hồ Xung - Doanh Doanh... chẳng phải là điều mình có thể đảm đương. Chữ tình từ xưa vốn đã nặng, giờ lại phải đeo mang thêm nghiệp anh hùng và mệnh giai nhân thì quả quá sức chịu đựng. Cho nên thấy vừa lòng hơn cả là tháng ngày yên thường giản dị sắp tới của Địch Vân và Thủy Sinh nơi tuyết cốc. 


Kim Dung tiên sinh đi rồi. Bùi Giáng lão gia cũng đã quá xa. Thầy thì vẫn đó nhưng ta chừng không dám lại gần. Quả là như lời Dan nói: tưởng là thiền xong thì khỏi phải sống, ai ngờ càng thiền thì lại thấy càng phải sống. Ai bảo chư Phật ba đời không nói dối? Mở miệng nói thì đã dối mất rồi.



ta đã mượn tình để biết yêu
mượn yêu để biết đến yêu nhiều
mượn hoa biết đẹp, hương biết nhớ
mượn trăng độc thoại, sông cô liêu

nắng này ta trả lại về xuân

lòng này trả lại cõi vô ngần



                                                                                         Chiang Mai cuối năm,
                                                            Viết cho 20 năm nợ nần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét