Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa

xin đi lại từ đầu
Sáng hai bảy dẫn điệu nhỏ đi dọn dẹp chùa đón tết. Đứng gỡ những đóa mai giả từ năm ngoái, năm kia ra khỏi cội mai thật mà lơ đãng nghĩ về cái thật cái giả, cái mới cái cũ, cái xưa cái nay. Niềm ưu tư ấy có lẽ không mới, không lạ trong dòng tâm thức của nhân loại, của người Việt, của những ai từng có lần bần thần “đón xuân này tôi nhớ xuân xưa”. Vâng, người ta vẫn luôn cứ hoài niệm về một mùa xuân trong quá khứ để thoáng thấy xa lạ với cảnh sắc xuân này. Trừ trẻ con, hầu như bất kì ai cũng có câu cửa miệng “tết hồi xưa…”“hồi nhỏ tết…” mỗi lần cùng nhau lao xao ngày cuối năm. Có phải người ta, dù không thấy rõ, nhưng vẫn mơ hồ cảm nhận mình đã lạc mất mùa xuân kể từ khi biết nhớ về quá khứ?


Đang lang thang tâm trí theo con đường vô tận và nhiều ngả rẽ của vọng tưởng, chợt điệu nhỏ (chừng như mỏi tay, bắt đầu làm biếng) lầm bầm:

-         Người ta gắn hoa giả làm gì nhỉ? Sao không để cho nó tự nhiên?

Cười hỏi:

-         Để tự nhiên, không có hoa chơi thì sao?

-         Thì lấy lá làm hoa ạ.

Vừa ngạc nhiên, vừa thú vị, lại thấy dễ thương quá, bật cười to. Chú ta phân trần thêm:

-         Hoa giả mãi không rụng, chỉ bạc màu đi, còn lá thì rụng. Khỏe!

Thích chí, bẹo đôi má phúng phính và cười sảng khoái:

-         Ha ha. Hoa giả mãi không rụng, còn lá thì rụng, nhỉ!!!

Thế đấy. Thiên đàng là đó. Niết-bàn là đó. Mùa xuân là đó. Không còn gì đơn giản hơn, dễ gần, dễ thấy hơn: “để cho nó tự nhiên, lấy lá làm hoa, lá thì rụng” và không có từ nào để diễn tả hạnh phúc tuyệt vời hơn từ “khỏe” thốt ra trên đôi môi trẻ thơ!


Có nghe đâu đó một câu, đại ý: cái xấu nhưng của mình còn hơn cái tốt không phải của mình. Chẳng phải bảo thủ đâu mà là tự trọng, tự quý lấy mình. Cho nên nhìn bông hoa giả vàng chóe gắn lên cành mai thật xanh lặng lẽ, thấy trơ trẽn làm sao ấy! Nó biểu hiện sự vong bản, vong thân, sa đọa, tha hóa đến mức đau lòng. Không có hoa thì lấy lá làm hoa, cứ để nó tự nhiên đi! Lá thì rụng. Điều ấy không đủ để gọi là kỳ diệu hay sao?

Em đã đến và em sẽ phải xa
Thừa biết chứ!
Nhưng mà…
Thôi đừng nói.

          Nếu em đến nhưng mãi mãi không xa thì làm sao anh có được một tiếng thở dài não lòng thiên cổ như thế? Nếu xuân không đi làm sao có xuân đến? Và nếu xuân không đến thì làm sao người nhạc sĩ có thể viết lên một câu hát tuyệt đẹp thế này:
          Em đứng chờ anh dưới song thưa
          Anh đi qua đầu ngõ
          Hỏi nhau rằng: “xuân đã về chưa?”1
         

Từ khi thấy đòn bánh tết được bày bán cho những ai không đủ thời gian gói bánh, cũng có nghĩa từ khi những gia đình đã không còn tự nấu cho mình một nồi bánh thì tết trở thành một ngày mà người ta bắt buộc phải đón mất rồi. Tệ hơn, từ khi thấy xuất hiện những đòn bánh được buộc bằng dây ni lông, thì hỡi ôi, mọi giá trị thiêng liêng đã được kéo xuống giá trị thương mại! Tâm hồn người ta kể như xơ xác, nghèo nàn, cằn cỗi đến thảm hại, tội nghiệp. Rồi lại bắt đầu thở than, trách cứ sao tết gì mà chẳng thấy hương ngày tết, xuân gì mà chẳng thấy vị mùa xuân?!

Ngẫm nghĩ mãi mà chưa hiểu vì sao trẻ con luôn thích tết? Vì sao người lớn lại hay nhớ về mùa xuân thời ấu thơ? Vì sao ngày đầu năm mới trong nhạc vàng lại có sức hấp dẫn như thế? Phải chăng trẻ con dễ bằng lòng, hạnh phúc của chúng đơn giản hơn người lớn mà tết lại có đủ, có thừa những điều kiện chúng mong đợi? Hay lòng trẻ con ít lo toan nên có thể đón mùa xuân thật trọn vẹn? Còn người lớn nhớ về ngày tết tuổi ấu thơ không phải họ nhớ về nồi bánh tét canh đêm, pháo giao thừa ran nổ, tiền lì xì năm mới, áo quần đẹp mồng một.v.v… đâu. Vì những thứ ấy, giờ đây họ có, có một cách dễ dàng kia mà. Thực ra, điều họ nhớ là cái cảm giác trông chờ, cảm giác chào đón, cảm giác mãn nguyện, cảm giác hạnh phúc ngày đó. Sẽ rất cũ nếu nhắc lại lời Đức Giêsu: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng". Nhưng thật sự là vậy, chỉ có trẻ con, cũng đồng nghĩa là tâm hồn trẻ con mới sống được trong mùa xuân mà thôi. Và xuân trong nhạc vàng, có lẽ phải gọi đó là mùa xuân của thơ ca nhạc họa. Vì mùa xuân ấy đã được tô điểm, được tạo nên với tâm thức, bằng cái nhìn của những người nghệ sĩ. Mà người nghệ sĩ thì luôn có thế giới riêng của mình nên mùa xuân của họ chúng ta sẽ không đạt tới, không sống trong được, trừ khi ta trở thành một nghệ sĩ.

Đêm giao thừa làm lễ, không cảm xúc gì nhiều. Chỉ nhớ lúc nhìn lên tôn tượng Đức Bổn sư nhủ thầm: “Đây mới chính là con người đã có được mùa xuân chân thật và miên viễn nhất. Con xin kính lạy Ngài”.

Còn con, thưa Thế Tôn, vẫn là một kẻ đang đi tìm lại một mùa xuân đã đánh mất từ lâu lắm rồi.

Mồng ba tết Quý Tỵ.

         


lời bài hát Đón xuân này nhớ xuân xưa.
Thiên thần quét lá, Vĩnh Hảo.

thơ Bùi Giáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét