Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Đời ta hết mang điều mới lạ­*


Một câu hỏi quen thuộc với người lâu ngày không gặp: “Dạo này có gì mới không?”. Câu trả lời thường là: “Không, mọi thứ vẫn bình thường”. Có lẽ bạn sẽ thấy điều này thật bình thường, không có gì lạ, phải không? Có thể ở vị trí người trả lời, bạn sẽ thấy điều đó đúng thật bình thường, vì rõ ràng không có gì mới thì nói không có gì mới, vậy thôi. Có gì đâu thắc mắc? Nhưng cho tôi hỏi một câu, và xin bạn thành thật _thành thật ở đây không có nghĩa trái với lừa dối mà mang nghĩa nhìn nhận lại mình một cách trung thực, sáng tỏ_ trả lời: Nếu là người hỏi thì có phải khi hỏi, trong thâm tâm, bạn đang mong đợi một điều gì mới mẻ từ lời đáp của người đối diện, chứ không chỉ đơn thuần “không, mọi thứ vẫn bình thường”? Điều đó có nghĩa là gì?

Hầu như lần nào cũng vậy, khi hỏi, thực sự tôi mong đợi một sự đổi thay, mới mẻ từ người kia. Vì lúc ấy, tôi thấy cuộc sống sao tẻ nhạt, nhàm cũ, bình thường, đều đặn quá mức. Mọi thứ tựa hồ không còn gì để ngạc nhiên, để giật mình, để đối phó. Có nghĩa tôi sẽ cứ tiếp tục sống, đối diện với cuộc sống bằng mớ kinh nghiệm, kiến thức có sẵn mà không cần phải thêm bớt điều gì. Mà như thế cũng có nghĩa cuộc sống trở nên một loạt các bài toán liên tục bất tận nhưng chỉ cần một công thức giải. Như thế có đáng chán không? Vì vậy, tôi mong cái người lâu ngày không gặp kia sẽ đem một tin gì mới lạ từ những vùng đất khác, hoặc chỉ cần từ chính họ mà thôi. Để tôi có thể chồm người tới, có thể giật bắn, có thể sửng sốt, có thể thú vị xoa tay, có thể rạng ngời ánh mắt hoặc có thể đưa tâm trí đắm chìm vào một miền kí ức nào đó… Sao cũng được, miễn thoát li khỏi thực tại này, tư thế này, tâm trạng trơ lì này.

Chẳng những khi hỏi, tôi mong một sự đổi thay từ bên kia, mà ngay cả khi trả lời, tôi cũng thấy thật buồn (mà hình như cũng chẳng buồn buồn nữa) nếu mình cũng lại đều đều thông báo về tình trạng ơ hờ, bất động của bản thân. Có lúc, tôi tự an ủi, hoặc dối lòng mình (và tránh sao khỏi dối người), làm ra vẻ hạnh phúc, lạc quan bằng cách nói rất “thiền”: Bình thường tâm thị Đạo (Tâm bình thường chính là Đạo). Đạo, trong câu trên, theo ý đồ của tôi, tất nhiên mang ý nghĩa khác đời, khác thường, cao siêu. Nói vậy cốt để lấp liếm, che giấu, trốn tránh thực trạng trống rỗng, chơi vơi, bất định của mình.

Ai mê Doremon ắt sẽ nhớ câu “kinh điển” này: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”. Chúng ta đều là cậu nhóc Nobita đã mặc định cho cuộc sống, cho những gì cuộc sống mang đến một giá trị, một đáp án chắc nịch “nó tất nhiên cũng thế”. Để rồi, cũng như Nobita, chúng ta thấy cuộc sống hiện tại sao “chán ngắt, bất công” và bắt đầu mơ đến một viễn ảnh tươi sáng, một sự thay đổi ngoạn mục, một cuộc du hí li kì. Và lại cũng như Nobita, nếu tôi không lầm, thì sau những phép thần thông, sau những chuyến thám hiểm, sau những màn “đổi ngôi” ngoạn mục cu cậu lại trở về với mặt đất này, với nhà, với bố mẹ, với bạn bè, với con phố thân quen và cảm thấy thương yêu biết bao, hạnh phúc biết bao với điều bình thường ấy. Nhưng đó là một kết thúc đẹp, có hậu, dành cho những “truyện dài”(trớ trêu thay, truyện dài chỉ chiếm số lượng nhỏ trong các tập Doremon!). Còn những truyện ngắn, kiểu như “quả báo nhãn tiền” thì chắc chắn sau mưu đồ “lật đổ thực tế” với sự giúp sức đắc lực của “khoa học kỹ thuật” cậu ta cũng bị, hoặc “gậy ông đập lưng ông”, hoặc thực tế phũ phàng sẽ giáng lại một cú nổ đom đóm, một đòn nảy lửa (tất nhiên, đại diện không ai khác là Chaien bự con!).

Nếu vậy phải làm sao?

Bạn hãy tìm ra cách của mình. Tôi cũng đi tìm cách của tôi. Dù sao, ít ra, tôi cũng đã cho bạn ít phút thoát khỏi tình cảnh “Đời ta hết mang điều mới lạ­”, phải không?

                *  nhạc Trịnh Công Sơn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét