Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Viễn Mộng



Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi1

  
          
Khách là một lữ hành bình dị, ngoài tấm áo phong sương cùng tay nải gọn nhẹ, xem ra chẳng có gì đặc biệt. Trên cánh rừng thưa, hắn rảo những bước dài nhanh nhẹn, có lẽ là để đuổi kịp ánh nắng chiều.
Mấy khóm hoa ngây dại đung đưa trước gió để gọi mời ánh mắt của kẻ đi đường, chốc chốc tiếng quạ lại vang lên từ khu rừng già như muốn kể thêm về nỗi cô đơn trên con đường hoang lạnh. Trong khi mấy tán cây già vẫn im lìm ngắm nhìn thời gian trôi qua trên ánh hoàng hôn đang bị màn đêm dần phủ lấp. Bóng chiều bủa xuống con đường đất nhỏ cùng kẻ độc hành vò võ với tư trang. Bụi rậm dây leo thì thầm với nhau về câu chuyện ngàn năm của những kẻ một đời ra đi kiếm tìm hư ảnh. Và rồi những tia nắng yếu ớt hắt ngang qua tán lá giờ đây cũng tắt lịm.
          Hoa mặc hoa, quạ kệ quạ, khách vẫn bước tiếp bước như muốn nhanh hơn gót nhẹ thời gian. Nhìn từ xa, con đường mòn lẩn khuất sau những cây già nua và trầm mình vào bóng tối. Trời càng tối hơn, kẻ lữ hành mệt mỏi vì đường xa. Chợt không gian sáng dần lên bởi một thứ ánh sáng vàng nhạt, dìu dịu. Khách ngoảnh mặt sang phía ánh sáng chiếu tới. Hắn ngây người. Sửng sốt.

         Trăng!
         
Một vầng trăng lồng lộng vành vạnh vàng thẫm pha chút sắc đỏ đang lồ lộ hiển hiện, trồi lên khỏi bìa rừng. Đẹp đến bàng hoàng. Chẳng trách nhà thơ nào đó đã bảo: nguyệt xuất – điểu kinh. Cả khu rừng lặng câm nghinh tiếp Nữ vương của trời khuya. Khách đứng chắp tay sau lưng, hướng về vầng trăng như kẻ thần quân nơi biên tái phụng chầu Thiên tử chốn đế kinh.
          Bỗng đâu đây vọng lại tiếng ngâm thơ, lữ khách lặng nghe:
          Mới hay lạc bước cõi hồng trần
          Công danh tài lợi cảnh phù vân2
          Câu thơ như thức dậy trong hồn mối tâm sự, khách ngâm lớn hai câu tiếp:
          Lảng bảng tình đời duyên lai thế
          Lênh đênh thuyền ái nợ oán ân3
          Khách tự nhủ: Có lẽ đêm nay ta không phải ngủ ngoài trời nữa rồi! Quả nhiên, chỉ sau đoạn đường ngắn, mái nhà tranh u tịch hiện ra trước mắt. Khách bước vào cổng cất tiếng gọi. Một lão nhân nước da đen thẫm với những nếp nhăn hiện rõ trên khuôn mặt, nhưng lại có cặp mắt sáng quắc ẩn tàng nhãn lực tinh anh bước ra. Nhìn kẻ đứng trước mặt mình với một chút tò mò, lão hỏi:
-           Chẳng hay thiếu hiệp cần chi?
Khách cung cẩn:
-         Dạ, vãn bối là kẻ lỡ đường, xin tiền bối cho tá túc một đêm.
-         Thiếu hiệp từ đâu đến lại lạc bước vào ngọn Đại Bình sơn heo hút này?
-         Thưa, vãn bối không dám giấu gì, nhưng quả thật lí do hơi dài dòng, chẳng thể nói hết trong một vài câu.
Im lặng một chút, lão nói:
-         Nếu không ngại cơm rau đạm bạc, nhà tranh vách đất thì xin thiếu hiệp cứ tự nhiên. Lão phu cũng sắp dùng bữa.
          Sau khi khách cất hành trang, rửa mặt, thay y phục, hai người ngồi vào mâm cơm được dọn trên chiếc chiếu cũ kĩ. Bữa cơm đơn sơ với đĩa cà muối, chút rau xanh và bình rượu trắng.
-         Chốn sơn lâm chỉ tương rau đạm bạc, thiếu hiệp dùng tạm.
          -  Tiền bối đã quá lời. Kể từ khi chọn bốn biển làm nhà, đất lạnh giường kê, trời xanh màn phủ thì cơm ăn áo mặc cũng phó mặc cho ân huệ thế nhân trời đất, lẽ nào còn xem trọng sang hèn ngon dở hay sao?!
          -  Vậy ra thiếu hiệp là kẻ lãng du giang hồ hành hiệp trượng nghĩa?
          -  Xin tiền bối chớ nói vậy làm vãn bối thẹn đến đỏ mặt. Đúng là vãn bối có gửi thân giang hồ nhưng lãng du thì không dám. Liệu có thể gọi là lãng du chăng khi còn đa mang trong lòng tất cả hệ lụy của thế gian buồn khổ? Hành hiệp trượng nghĩa thì càng chẳng phải. Tiền bối nghĩ người ta có thể giúp được gì cho ai không một khi chính họ đang bị vây phủ bởi khổ đau phiền muộn?
          -  Thế thì thiếu hiệp ra đi vì để thỏa mộng phiêu du?
          -  Thưa, mộng phiêu du hồ hải trước kia quả thật vãn bối cũng có hoài mang. Tuy nhiên, từ độ thấy hết cái vô lý của những cuộc ra đi thì đã chân chùng gối mỏi mất rồi.
          -  Ấy mà vẫn cứ ra đi? Như nghiệp định?
          -  Vâng, nghiệp định. Đúng hơn là nợ nần. Nợ nần với chính mình.
          -  Thôi,  ta dùng bữa đi. Nói gì thì nói chứ cái đói đến là phải ăn thôi.
          Lão nhân xới cơm, rót rượu với phong thái khoan thai cùng nụ cười hiền từ pha chút hóm hỉnh. Bưng bát cơm trên tay, chàng thiếu niên nhìn kĩ người đối diện và cất giọng trầm sắc:
          -  Tiền bối là một người không đơn giản!
          Lão nhân cười ha hả.
-         Thiếu hiệp thật khéo đùa. Có con người nào trên thế gian này là đơn giản đâu?
          Khách cũng bật cười trước câu trả lời sắc sảo, vừa có vừa không ấy.
          Ngoài kia, núi rừng về đêm càng u tịch hoang vắng với những âm thanh từ ngàn đời còn vương sót. Vũ trụ xưa sau có lẽ vẫn thế, vẫn nói những tiếng nói riêng tư của mình mà không con người nào có thể nghe ra một khi tâm trí họ còn u mê trĩu nặng với những toan tính, dù toan tính ấy có xuất phát từ bất kì động cơ nào. Làm sao có thể nghe ra tiếng chân chim khẽ trượt khỏi cành khô trong màn sương phủ mờ rừng núi khi ta đang cho dòng suy tưởng lặn ngụp dưới bể tâm dậy sóng trầm luân?
          Trong mái lều hắt hiu ánh sáng ngọn đèn nhỏ, hai người mới quen nhau, không biết tự bao giờ đã thành tri kỉ. Mới hay thế nào là bạch đầu như tân, khoảnh trái như cố. Quả thật, có những người sống với nhau đến đầu bạc răng long mà vẫn xa xôi như người khách lạ, vẫn chẳng hiểu nụ cười tiếng khóc của nhau. Nhưng có những người chỉ mới vén màn cửa xe, thoạt trông thấy mà ngỡ như đã hẹn từ kiếp xa xưa, đã thấu rõ tâm can nhau như cùng một thân thể.
          Bầu rượu trắng vơi dần theo nỗi lòng phơi tỏ của kẻ ra đi từ độ biết buồn câu sinh tử4. Lão nhân chỉ lắng nghe mà không góp ý thêm lời. Nhưng chẳng hiểu sao chàng thiếu niên cảm thấy con người này đã thấu rõ tâm hồn, tâm can, tâm sự mình và có thể cho ta một lời khuyên, một lối thoát, một con đường hay cái gì đại loại như thế.
-         Tiền bối đã đi con đường mà vãn bối đang đi?
-         Con đường?
-         Vâng, con đường.
-         Thiếu hiệp hỏi thật hay chỉ để hỏi?
-         Sao tiền bối lại nói vậy?
          -  Vì lão phu nghĩ rằng ở độ tuổi thanh xuân như thiếu hiệp, người ta thường nghe mọi lời khuyên với cái tâm chỉ có một nửa chăm chú. Và những câu hỏi họ đặt ra cho cuộc đời thường là để tự khẳng định sự hiện hữu của mình hơn là để nghe câu trả lời, nhất là câu trả lời từ những người đi trước. Bởi họ thích phiêu lưu và chán ghét sự lặp lại, mà không có gì lặp lại bằng việc sống theo kinh nghiệm của kẻ khác!
          -  Nhưng…
          -  Thôi, đừng luận bàn chi thêm nữa. Thiếu hiệp thích thơ chứ?
          -  Dạ, vãn bối là kẻ yêu thơ.
          -  Vậy tại sao không biết câu này của Bùi Giáng lão gia:
Thưa rằng: “nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào”
          Cả hai cùng cười vang. Họ bước ra khỏi nhà. Trong không gian mù sương và khí núi, trăng trung tuần vằng vặc sáng một cách ma quái. Vùng ảo ảnh bồng bềnh nâng lấy âm vọng khi người khách trẻ miên man trong câu thơ ngâm vang:
Nhận một vầng trăng tỏ
Soi chung một lối về     
Vầng trăng xưa còn đó
Lòng đã lạc hướng quê5
          Âm ba trào qua làn sương khí, va động vào cành lá làm lũ chim giật mình tung vỗ cánh khua bay. Tiếng ngâm vừa dứt cũng là lúc giọt nước mắt lăn dài trên má, nhỏ xuống áo khách tha phương. Chẳng nhớ đã mấy mùa cây thay lá, khách ra đi góp nhặt những buồn vui, lênh đênh giữa chốn bụi hồng, rồi mệt mỏi muốn tìm về cố quận, nhưng càng đi càng thấy vời xa, bước níu bước đầy vơi tủi hận.
          Cặp mắt tinh anh của lão nhân nhìn gã ấm áp như cha nhìn con, thầy nhìn đệ tử, rồi lão thả nhẹ lời thơ:
Nếu chưa thỏa vẫn có quyền xuôi ngược
Bọt biển chưa tan xin sóng vỗ hai lần
Ôm ruột đau mà môi mắt từ dung
Thì tuyết trắng cứ bạc đầu thiên tuế.6
          Biết đâu là cố hương của những kẻ lang thang? Khách mỏi mệt ngả lưng trên đám cỏ ướt sương tiền kiếp. Lão nhân trầm ngâm như nhớ về một quá khứ. Có lẽ lão cũng là một kẻ ra đi. Chỉ có người ra đi hay từng ra đi mới hiểu một kẻ đang ra đi mà thôi.
          Cảnh núi rừng về khuya càng cô quạnh.
Phong trần khách, ta người là khách
Rót càn khôn hớp cạn càn khôn
Túy lưu say quên hết mộng đăng trình
Cho biển thức lưu linh trong ba cõi7
          Tiếng ai còn đồng vọng mãi thiên thâu?




Đà Lạt mùa sương 2010
Thân tặng những kẻ không nhà
khóa 5 - TCPH Lâm Đồng

Bài này viết chung với thầy Quảng Điền, cũng là một kẻ giang hồ ta-bà dặm lữ. Mà rồi nói cho cùng, có ai chẳng là du tử trên dòng thời không miên viễn...  

__________________________________________
1, 4 : thơ Tuệ Sỹ
6      : thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh


2, 3, 5, 7 : những đoạn thơ này, vì kiến văn hạn chế, chúng tôi không biết xuất xứ,           kính mong các tác giả thông cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét